Nước mắm, mắm cáy không xa lạ với những người nông dân Thanh Hóa. Tìm về nơi đây ta không thể không nhắc tới làng chuyên bắt cáy của xã Hoằng Khê, Hoằng Hóa. Nơi mà người dân từ xưa đã gắn bó và lớn lên nhờ một phần con cáy và nó đã trở thành một nghề để kiếm kế sinh nhai.
Từ xưa, cáy được biết đến với món ăn vô cùng dinh dưỡng và nơi sinh sống hoàn toàn tự nhiên là những bờ ruộng, bờ sông. Cáy ngày càng trở thành món ăn quen thuộc của người dân bởi độ an toàn và hương vị đậm chất thôn quê. Đến với làng Tây Đại xã Hoằng Khê, Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ta không thể không nhắc tới mắm cáy truyền thống nơi đây.
Tìm tới gia đình làm mắm của ông bà Trịnh Văn Tứ, Lê Thị Hải là hộ làm mắm cáy với sản lượng nhiều nhất trong xã. Trong một buổi chiều mùa đông bình lặng, nhưng trái ngược với khung cảnh đông thường ấy, ngôi nhà làm mắn cáy của ông, bà tấp nập tiếng cười nói, sự tươi vui của những người dân trong làng với những thành quả sau một ngày câu cáy vất vả. Những chiếc xe đạp dựng thành hàng trước ngõ cùng những chiếc giỏ đựng những con cáy tươi ngon, bò lổm ngổm được người câu cáy xách xuống cân. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tứ cho biết: nghề muối mắn cáy đã theo ông bà được 20 năm dòng, mới thuở đầu khá nhỏ lẻ nhưng hiện tại nó đã phát triển thành một cơ sở được nhiều người biết đến, với mức thu mua trung bình 2 tạ cáy/ngày.
Khu sản xuất mắm cáy của hộ ông Tứ
Nói tới quy trình làm mắm cáy ông Tứ cho biết mắm cáy làm khá đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được những lọ nắm thơm ngon và khá đặc biệt. Ông Tứ bật mí: “ngoài những công đoạn thông thường khi muối cáy đấy là rửa sạch, bóc yếm, cho vào cối giã nhuyễn, rồi cho vào chum sành trộn đều với tỷ lệ 3 cáy 1 muối. Bí quyết chính là khi muối cáy ta phải rang những hạt muối trắng tinh trở nên hơi vàng. Nhờ vị chát của muối sau khi rang làm cho món cáy trở nên đặc biệt hơn”. Ngoài ra, để ra được thành phẩm cáy ngon hay không còn phụ thuộc vào nắng phơi cáy.
Với kinh nghiệm lão làng trong muối cáy, hiện tại mắm cáy của gia đình ông đã trở thành một điểm đến cho nhiều người dân lân cận cũng như những lái buôn. Hằng năm bình quân gia đình ông xuất đi khoảng 4 tấn nước nắm cáy phục vụ chủ yếu cho thị trường Nam Định và Hải phòng. Được biết vốn đầu tư cho làm mắm cáy với khoảng 150 triệu lưu động, với 20% lãi xuất trong đó.
Làm mắm không chỉ góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho chính gia đình ông, bà. Nghề mắm cáy của gia đình ông bà còn góp phần giải quyết việc làm kiếm thêm thu nhập cho những người dân xung quanh làng xã. Ngoài những công việc đồng áng hàng ngày lúc rảnh rỗi người dân xung quanh tham gia đi câu cáy và nhập lại cho gia đình ông bà với giá giao động khoảng 45.000 nghìn đồng/kg. Ông cho biết: “với những ngày thường không phải mùa cáy trung bình có khoảng 20 đến 30 người đi câu cáy, nhưng khi cáy vào mùa từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch thì phải có tới 50 tới 60 người câu cáy bán cho gia đình”. Nhờ vậy người dân nơi đây còn có thêm nghề câu cáy trang trải cho cuộc sống. Đây cũng là một trong những nghề mang lại thu nhập cho người dân, góp phần để Hoằng Khê thực hiện tốt tiêu chí nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Hoằng Khê./.
( Trích nguồn từ http://dieuhanh.hoanghoa.thanhhoa.gov.vn )