Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vào cuối năm 2018.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP quốc gia; 10 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp huyện. Đến năm 2030, có ít nhất 5 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP quốc gia; 30 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, 150 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp huyện; có 5 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng; có 2 trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hoàn thành, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. (Ảnh công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam).
Gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND về việc thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2019. Kế hoạch này nhằm đẩy mạnh quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình, phổ biến các nguyên tắc và chu trình OCOP tới tận cấp ủy, chính quyền các cấp; đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn của chương trình. Đáng chú ý, trong các nội dung sẽ triển khai, tỉnh dự kiến xây dựng kế hoạch, phát triển sản phẩm, phát triển các tổ chức kinh tế và tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức kinh tế. Xây dựng và phát triển các dự án thành phần trong đó Dự án công viên tre, luồng gắn với chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông được chọn là dự án chỉ đạo điểm của Trung ương. Bên cạnh đó là các dự án thành phần cấp tỉnh, cấp huyện.
Các sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm 2019 sẽ được các cơ quan chức năng hỗ trợ tư vấn về các vấn đề như: đăng ký sản phẩm, phương án kinh doanh, hoàn thiện cơ cấu tổ chức; tư vấn hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị, hỗ trợ đánh giá sản phẩm, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và khâu cuối là xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Kinh phí thực hiện được trích từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các nguồn vốn khác được lồng ghép từ các nguồn khoa học công nghệ, khuyến công, vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, tín dụng…
Ngày 10/7 vừa qua, tại huyện Đông Sơn, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Đông Sơn đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Tại hội nghị này, huyện Đông Sơn đưa ra một số sản phẩm dự kiến sẽ phát triển theo chương trình OCOP, như: trống đồng, rau an toàn, quả thanh long, gạo nếp cái hoa vàng… Trước đó, một số địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động chọn ra sản phẩm lợi thế của mình để xây dựng, hỗ trợ và phát triển thành sản phẩm OCOP như huyện Tĩnh Gia với sản phẩm nước mắm Do Xuyên – Ba Làng; huyện Nông Cống với sản phẩm miến gạo Thăng Long; huyện Thiệu Hóa với 3 sản phẩm bánh đa, bánh đa nem xã Thiệu Châu, tơ Hồng Đô xã Thiệu Đô và đồ đồng Trà Đông xã Thiệu Trung… Theo ý kiến từ các địa phương, chương trình OCOP mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm được xếp hạng theo tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và phát triển KT-XH nói chung, xây dựng NTM nói riêng.
Trên cả nước, sau một năm thực hiện, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 đã có thành công bước đầu. Các địa phương đã xét công nhận cho hơn 200 sản phẩm Chương trình OCOP với các mức “3 sao”, “4 sao” và “5 sao”. Trong đó, sản phẩm từ 1 đến 3 sao phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4 đến 5 sao có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu.
Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện chương trình, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 26 tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP; quy trình đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương làm cơ sở cho địa phương thực hiện.
( Trích nguồn từ báo http://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/kinh-te/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-co-hoi-cho-cac-san-pham-co-loi-the.html )