Làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với nghề đan chổi đót truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm chổi đót vẫn tồn tại và mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nghề làm chổi đót mang lại thu nhập ổn định cho người dân làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa).
Không ai biết chính xác nghề làm chổi đót bén duyên với vùng đất Xa Vệ từ khi nào nhưng theo những cụ cao niên trong làng thì làng nghề đan chổi đót của địa phương không ồn ào, tấp nập kẻ bán, người mua như những làng nghề truyền thống khác, nhưng có sức sống bền bỉ với thời gian và hầu hết người làng Xa Vệ từ già tới trẻ ai ai cũng biết vấn chổi đót và sống được với nghề làm chổi. Những chiếc chổi của làng Xa Vệ đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh bởi độ bền đẹp, chắc chắn khó có nơi nào sánh kịp. Tuy chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng với nhiều người dân địa phương, nghề chổi đót đã mang lại thu nhập chính, giúp họ làm giàu từ nghề truyền thống. Ông Vũ Đình Hữu, thôn 2, làng Xa Vệ đã gắn bó với nghề làm chổi của địa phương hơn 20 năm, chia sẻ: Nghề làm chổi đót vốn là nghề phụ của người dân lúc nông nhàn. Nhưng với gia đình ông, làm được nhà, nuôi con ăn học cũng từ nghề làm chổi đót. Ngoài việc làm nghề, gia đình ông còn đứng ra thu mua sản phẩm của người dân trong làng để mang ra thị trường tiêu thụ, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.
Vào dịp nông nhàn, đến thăm làng Xa Vệ đâu đâu cũng gặp hình ảnh người dân tụ họp cùng nhau làm chổi đót, người chẻ lau, bó chổi, bện chân rết… Người dân làng Xa Vệ ngày nay gìn giữ và làm nghề đan chổi đót vừa là cách để bảo tồn nghề truyền thống của ông cha vừa để tăng thu nhập cho gia đình. Chị Đào Thị Bình, thôn 3, làng Xa Vệ, cho biết: “Thu nhập làm chổi khá hơn so với làm nông, lại tranh thủ được thời gian nông nhàn, tuổi cao vẫn có thể làm được. Mỗi ngày, chị có thể chạy chân rết (một công đoạn làm chổi) được 60 đến 70 cái, thu nhập từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày. Theo người dân trong làng, cách làm chổi đót không khó. Tuy nhiên, để có được một cây chổi đót bền, chắc và đẹp thì cần phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là công đoạn vào cán và bện. Bông đót để làm chổi cũng yêu cầu phải được nắng, có màu trắng xanh, dài thì chổi mới bền. Cây chổi đót thường có màu vàng rơm xen lẫn xanh cốm, thân chổi dày, dẻo, có độ đàn hồi tốt và được kết chặt vào cán chổi bằng các sợi mây hoặc có sợi dây ni lông bọc bên ngoài.
Làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung có 4 thôn thì có gần 50 hộ, với khoảng hơn 400 lao động làm nghề chổi đót truyền thống, tập trung nhiều ở thôn 3 với 20 hộ làm nghề, thu hút 300 lao động. Trong đó, trên địa bàn chỉ có 2 hộ sản xuất chổi theo quy mô lớn; mỗi hộ tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 15 lao động, thu nhập 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Từ sản phẩm truyền thống đầu tiên là chổi bện mây, đến nay, người dân trong làng đã sản xuất ra 10 loại mặt hàng chổi đót khác nhau, đáp ứng nhu cầu của thị trường, như: Chổi cọc, chổi cán nhựa, chổi cán tre, chổi hoa, chổi thép đến chổi quét vôi ve, chổi quét bàn thờ…
Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống dần bị thu hẹp cả về quy mô lẫn hiệu quả song nghề làm chổi đót làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung vẫn bền bỉ tồn tại, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ông Lê Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cùng với việc du nhập và phát triển những nghề mới như móc hộp, thêu ren, đan lát… UBND xã vẫn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân gìn giữ phát triển nghề làm chổi truyền thống. Bởi nghề đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
(Trích Nguồn từ http://baothanhhoa.vn )