Với hơn 20 nghề truyền thống, đến nay, tại huyện Hoằng Hóa còn tồn tại và phát triển một số nghề như: Nghề mộc, mây tre đan, bện chổi đót, gốm, nấu rượu, bún bánh, đậu phụ, chế biến hải sản và nước mắm. Lao động các nghề truyền thống thu hút khoảng ½ lực lượng lao động ngành nghề nông thôn (xấp xỉ 10.000 lao động).
Trong số Các nghề truyền thống đang được duy trì và phát triển tốt, có thể kể đến là mây tre đan, mộc, chế biến hải sản; một số nghề có quy mô nhỏ là thêu, bện chỗi đót, gốm, nấu rượu, bún bánh, đậu phụ…
Nghề mây tre đan, là nghề truyền thống của xã Hoằng Thịnh thu hút 2.500 lao động, sản xuất ra hàng triệu bộ sản phẩm/năm, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng /năm. (có thời điểm đã phát triển ở 13 xã với 4.500 lao động). Nghề mây tre đan với các sản phẩm truyền thống là rổ, rá các loại cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và bán cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài xuất khẩu. Từ năm 2006 đã có sản phẩm mới là sản phẩm thủ công mỹ nghệ chao đèn và đèn lồng xuất khẩu do công ty TNHH Quốc Đại (Hoằng Thịnh) đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm, đây là sản phẩm tiêu tốn ít nguyên liệu, cơ cấu giá trị lao động chiếm trên 80 % giá thành sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 600 của 9 xã (có thời điểm 1000 lao động).
Sản phẩm mây tre đan của làng nghề Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Từ năm 2006 đến nay, nghề mây tre đan đã được đầu tư các máy móc thay thế một số khâu thủ công chiếm nhiều thời gia như như pha chẻ, đánh bóng nan; đồng thời trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nếu như trước đây chỉ có các ông chủ thu gom và bán lại cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài xuất khẩu, thì hiện nay đã có thêm 4 công ty tổ chức sản xuất và thu mua sản phẩm.
Bên cạnh mây tre đan là Nghề mộc. Từ xưa là nghề truyền thống của các xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Lương, nay đã có khoảng 700 lao động. Nghề mộc phát triển đã kích thích ra đời một số doanh nghiệp chế biến gỗ cung cấp cho các làng nghề và nhu cầu xây dựng. Bên cạnh mang lại giá trị về kinh tế, sự phát triển của làng nghề còn mang đậm ý nghĩa về văn hóa. Bởi lẽ, mỗi nghề gắn liền với một cộng đồng cư dân được cư trú ổn định trong quy mô làng xã. Nét đặc trưng này không chỉ phản ánh sự phong phú đa dạng của làng nghề trong hệ thống cấu trúc làng xã Việt Nam.
Từ nhiều thế kỷ qua ở huyện Hoằng Hóa đều có làng nghề truyền thống. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, làng nghề truyền thống đều có sự thăng trầm nhưng nó có “sứ mệnh” nhân văn cao cả đó là: Lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi làng quê, gắn kết tình làng nghĩa xóm và đóng vai trò kinh tế quan trọng trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, giải quyết việc làm cho người lao động ngay trong lũy tre làng, ở cộng đồng dân cư. Làng nghề truyền thống chính là di sản văn hóa của cha ông được để lại, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
( Trích nguồn từ http://thoibaoviet.com.vn )