Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. (Ảnh: Thế Khải)
Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một cuộc “cách mạng” to lớn đối với nông nghiệp, nông thôn. Trong công cuộc “cách mạng” ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa đã đồng sức, đồng lòng, dân chủ, phát huy tốt nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực để có được những chuyển biến sâu sắc thay đổi hẳn diện mạo, chất lượng cuộc sống vùng nông thôn.
Những thành quả điển hình
Ấn tượng về một Hoằng Hóa đổi thay và phát triển – đó là cảm nhận chung của nhiều người khi đặt chân đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Những ngôi nhà cao tầng, con đường thênh thang, những hàng cây phủ bóng mát, những luống hoa ven đường rộn ràng khoe sắc, âm thanh hối hả của guồng máy hay những tiếng tung hô, cổ vũ mỗi buổi chiều ở sân vận động hòa vào nhịp sống thường ngày… Bấy nhiêu thôi cũng đủ để “họa” nên bức tranh NTM với diện mạo khang trang, tươi đẹp và phát triển, được người dân đánh giá mức độ hài lòng với tỷ lệ cao (94 – 97,5%). Trong bức tranh ấy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên 3,3 lần (từ 12,5 triệu đồng/người năm 2010 lên 41,7 triệu đồng/người năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,3 lần (từ 17,49% năm 2011 xuống còn 3,24% năm 2018).
Nông nghiệp – lĩnh vực chiếm tỷ trọng 17,4% giá trị sản xuất toàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực khi bình quân tăng trưởng giá trị sản xuất hằng năm giai đoạn 2010-2015 là 2,6%, đến giai đoạn 2016-2019 là 3,2%. Sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là phát triển thủy sản và trồng trọt, trong đó đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế. Điển hình phải kể đến vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở 27 xã với tổng diện tích 3.250 ha; trồng cây khoai tây liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 301,2 ha; 176 mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất với quy mô từ 1 ha trở lên, trong đó có 3 vùng tập trung với diện tích 53 ha cho doanh nghiệp thuê để trồng cà rốt xuất khẩu; 62 ha rau an toàn tập trung được cấp giấy chứng nhận VietGAP và dán nhãn trong tiêu thụ; hơn 100 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cho thu nhập cao (diện tích tăng gấp đôi so với năm 2015)… Một số hộ gia đình, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, như: Trồng rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà có mái che. Huyện đã chỉ đạo thành công nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất khoai tây Đức, khoai tây chế biến, khoai lang Nhật, dưa, ớt, ngô ngọt, ngô giống, đậu tương, rau, sản xuất lúa giống, lúa gạo thương phẩm, với diện tích 1.380 ha/năm với 31 HTX tham gia liên kết sản xuất. Khai thác thủy sản duy trì và tập hợp một đội tàu hùng hậu với 997 phương tiện, tổng công suất 60.950 CV.
Khu nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hoằng Hà.
Đối với phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ, huyện đã tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển gắn với việc thực hiện nghị quyết về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, TTCN và dịch vụ trên địa bàn huyện”. Đến hết tháng 6-2019, toàn huyện có 534 doanh nghiệp, có 141 làng nghề, trong đó 125 doanh nghiệp sản xuất hàng TTCN, có 33 chợ. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp TTCN đạt 2.551 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu tăng từ 38 triệu USD năm 2010 lên 85 triệu USD năm 2018. Các ngành dịch vụ có bước phát triển khá, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 9.061 tỷ đồng.
Nói đến sự phát triển của Hoằng Hóa trong vòng 10 năm trở lại đây, không thể không nhắc đến Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Sự phát triển mạnh mẽ của một khu du lịch sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, đón 1,3 triệu lượt khách (năm 2018) và ước tính 1,5 triệu lượt khách (năm 2019) đã đưa Hoằng Hóa trở thành một điểm đến ấn tượng trên bản đồ du lịch biển, tạo động lực quan trọng trong kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần khởi sắc những vùng bãi ngang ven biển. Thêm một tin vui đó là đầu năm 2019, nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, quyết định đầu tư vào lĩnh vực du lịch và phát triển đô thị tại huyện Hoằng Hóa với quy mô lớn. Đây chính là cơ hội để nâng tầm ngành “công nghiệp không khói” của huyện Hoằng Hóa trong tương lai.
XDNTM nâng cao gắn với đô thị hóa nông thôn
XDNTM là một cuộc “cách mạng”, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc bởi những giá trị cốt lõi cuối cùng là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thực sự khơi dậy được nội lực và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đưa mỗi vùng nông thôn trở thành những vùng đất thanh bình, phát triển theo hướng đô thị, văn minh và hiện đại. Đó cũng là định hướng mà huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu hướng tới cho giai đoạn tiếp theo theo tinh thần của Nghị quyết số 14-NQ/HU ngày 14-2-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa về xây dựng đô thị hóa nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, huyện Hoằng Hóa có thị trấn Bút Sơn với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ của một đô thị. Ở các xã trong huyện, nhiều nơi đang hình thành một số trung tâm dịch vụ thương mại, như: Thị tứ Quăng (xã Hoằng Lộc); chợ Vực (xã Hoằng Ngọc); Nghĩa Trang (xã Hoằng Kim); Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến… bước đầu kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đã xây dựng các cửa hàng, trung tâm dịch vụ, hệ thống điện, giao thông, thông tin liên lạc ngày càng khang trang, thuận tiện. Đối với các xã XDNTM đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã để triển khai thực hiện. Việc quy hoạch đã thể hiện đầy đủ các nội dung về khu trung tâm, khu vực sản xuất, khu dân cư và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ… Đây chính là nền tảng, động lực quan trọng có tính lan tỏa trong phát triển đô thị của huyện Hoằng Hóa trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Thu, cho biết: Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ở nhiều địa phương, do vậy phát triển đô thị là xu thế tất yếu, phù hợp thực tiễn phát triển để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, là định hướng chung của tỉnh và của cả nước; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phân bố dân cư, đất đai một cách hợp lý. Việc XDNTM nâng cao gắn với đô thị hóa nông thôn sẽ là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh CNH, HĐH, định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, sử dụng đất đai hiệu quả, có kế thừa, tránh đầu tư lãng phí trong quá trình đô thị hóa. Huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 được phê duyệt xây dựng đô thị loại IV, đến năm 2030 được công nhận đô thị loại IV.
Đó là mục tiêu, định hướng lâu dài, còn trước mắt, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, toàn huyện ra sức phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu còn lại của chương trình giai đoạn 2010-2020, trọng tâm là trong năm 2019 hoàn thiện tất cả các tiêu chí của huyện để đề nghị tỉnh, Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu có nhiều thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm. Tất cả các xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào “XDNTM nâng cao gắn với đô thị hóa nông thôn”.
( Trích nguồn từ https://baomoi.com )