KT Nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 của UBND tỉnh, huyện Thiệu Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2020 sát với tình hình thực tế địa phương. Trong đó, huyện triển khai thực hiện các hình thức tổ chức sản xuất gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch tiềm năng, thế mạnh theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Qua rà soát, huyện Thiệu Hóa xác định được 27 sản phẩm thế mạnh, thuộc 4 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 20 sản phẩm; nhóm hoa, cây cảnh có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 3 sản phẩm; nhóm dịch vụ, du lịch nông thôn có 3 sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Từ những thống kê, khảo sát cho thấy, triển vọng để thưc hiện Chương trình OCOP của địa phương là rất lớn. Do đó, Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện một số nội dung cần thực hiện trước mắt và lâu dài, như: Mời chuyên gia đến tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện Chương trình OCOP phù hợp với thực tế của địa phương; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia Chương trình OCOP,… Đối với từng nhóm sản phẩm thế mạnh, địa phương đã và đang xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển phù hơp với tình hình kinh tế – xã hội cũng như trình độ canh tác, sản xuất của người dân.
Tơ Hồng Đô là một trong những sản phẩm được UBND huyện Thiệu Hóa lựa chọn để phát triển thành sản phẩm OCOP của huyện. Do đó, địa phương định hướng phát triển vùng nguyên liệu, chú trọng hỗ trợ, đầu tư nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm… Để tạo điều kiện phát triển, trước tiên huyện tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng liên kết, thông qua việc chỉ đạo mở rộng diện tích trồng dâu ở một số xã, như: Thiệu Đô, Thiệu Tân, Thiệu Quang, Thiệu Toán, Thiệu Tiến, Thiệu Minh… với tổng diện tích khoảng 100 ha. Bên cạnh đó, huyện Thiệu Hóa tập trung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho các đơn vị thu mua, chế biến các sản phẩm từ dâu tằm đầu tư phát triển tại địa phương. Tính đến tháng 9-2019, trên địa bàn huyện có 37 cơ sở thu mua kén; 43 hộ, 1 doanh nghiệp sản xuất nhiễu. Hầu hết sản phẩm tơ, nhiễu Hồng Đô đều được tiêu thụ thông qua những hợp đồng kinh tế ổn định trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có một lượng lớn sản phẩm được xuất khẩu.
Bên cạnh sản phẩm tơ Hồng Đô, huyện Thiệu Hóa còn một số sản phẩm đặc trưng đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn trong thời gian tới. Như: Rau an toàn (thị trấn Vạn Hà), dưa chuột an toàn (thị trấn Vạn Hà, xã Thiệu Toán), kiệu (xã Thiệu Toán); nấm, mục nhĩ (xã Thiệu Tân), thanh long ruột đỏ (xã Thiệu Vũ); bánh đa, bánh đa nem (xã Thiệu Châu); con nuôi đặc sản ba ba, rùa (xã Thiệu Hợp); dê núi thương phẩm, thỏ thương phẩm (xã Thiệu Tân), ớt xuất khẩu (xã Thiệu Minh). Để nâng tầm những sản phẩm đặc trưng của địa phương thành sản phẩm OCOP, huyện đã chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất triển khai các bước xây dựng tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, từng bước đưa các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào áp dụng, như: VietGAP, HACCP, GMP, SSOP… Đồng thời, huyện cũng hướng tới ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, chế biến với các mục tiêu ưu tiên, như: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và chế biến sản phẩm chủ lực; đầu tư dây chuyền chế biến tinh, sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến…
Ngoài ra, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa cũng đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, huyện tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh đa, bánh đa nem xã Thiệu Châu. Đồng thời, ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao KHCN, hợp tác với các viện nghiên cứu, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao… gắn với sơ chế, chế biến, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến; phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp, HTX… thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
( Trích nguồn từ : Báo Thanh Hóa )