Bên cạnh mang lại giá trị về kinh tế, sự phát triển của làng nghề còn mang đậm ý nghĩa về văn hóa. Bởi lẽ, mỗi nghề gắn liền với một cộng đồng cư dân được cư trú ổn định trong quy mô làng xã. Làng nghề không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa “nghề” với “nghiệp” mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét, được phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội và nhiều quy định khác.
Từ xưa, ngoài nghề trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, Hoằng Hóa còn có khoảng 20 nghề là: Dệt, mộc, đan lát, gốm, đục đá, nấu rượu, bún bánh, đậu phụ, chế biến hải sản và nước mắm, làm muối, đúc lưỡi cày, hàng mã, cắt tóc, ép dầu, giường và chõng tre, bện chỗi đót, gốm, ép dầu, nhuộm v.v… một số nghề đã phát triển tập trung hình thành trên 20 làng nghề như: dệt lụa và dệt vải, kéo sợi, mộc 4, mây tre đan, gốm, đục đá, nấu rượu, bún bánh, đậu phụ, nước mắm, làm muối. Trong quá trình phát triển, một số làng nghề không còn tồn tại hoặc quy mô sản xuất thu hẹp.
Để khôi phục, du nhập và phát triển ngành nghề, làng nghề, từ năm 2002, Ban Thường vụ huyện uỷ đã ban hành Kết luận 56-KL/HU về “Định hướng phát triển Công nghiệp – ngành nghề thời kỳ 2002-2005 đến 2010”; Năm 2006, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá 24 ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về ‘Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và du lịch thời kỳ 2006-2010, định hướng đến 2015”; năm 2011 ban hành “Chương trình Phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015”; UBND huyện ban hành các đề án, kế hoạch và cơ chế chính sách khuyến khích để thực hiện; đồng thời với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, do đó mặc dù trong điều kiệnnền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn kéo dài, song lĩnh vực công nghiệp, ngành nghề TTCN và làng nghề vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ: giá trị sản xuất có tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm khoảng 18,0 %; lĩnh vực ngành nghề, làng nghề đã du nhập và phát triển thêm một số nghề mới như: thêu, đan móc hộp xuất khẩu, my mắt giả, sản phẩm từ cây cói, cây bèo tây, bẹ ngô, xơ dừa, mây giang xiên; khâu bóng, tăm hương, hương xuất khẩu, chao đèn và đèn lồng xuất khẩu… đã góp phần hình thành thêm một số làng nghề mới trong nông thôn, giải quyết việc làm cho từ 15 đến 20.000 lao động (theo từng thời điểm), góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Với khoảng 20 nghề truyền thống, đến nay, tại huyện Hoằng Hóa còn tồn tại và phát triển một số nghề như: Nghề mộc, mây tre đan, bện chỗi đót, gốm, nấu rượu, bún bánh, đậu phụ, chế biến hải sản và nước mắm. Lao động các nghề truyền thống thu hút khoảng ½ lực lượng lao động ngành nghề nông thôn (xấp xỉ 10.000 lao động).
Trong số Các nghề truyền thống đang được duy trì và phát triển tốt, có thể kể đến là mây tre đan, mộc, chế biến hải sản; một số nghề có quy mô nhỏ là thêu, bện chỗi đót, gốm, nấu rượu, bún bánh, đậu phụ…
Nghề mây tre đan, là nghề truyền thống của xã Hoằng Thịnh thu hút 2.500 lao động, sản xuất ra hàng triệu bộ sản phẩm/năm, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng /năm.(có thời điểm đã phát triển ở 13 xã với 4500 lao động),
Nghề mây tre đan với các sản phẩm truyền thống là rổ, rá các loại cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và bán cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài xuất khẩu; từ năm 2006 đã có sản phẩm mới là sản phẩm thủ công mỹ nghệ chao đèn và đèn lồng xuất khẩu do công ty TNHH Quốc Đại (Hoằng Thịnh) đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm, đây là sản phẩm tiêu tốn ít nguyên liệu, cơ cấu giá trị lao động chiếm trên 80 % giá thành sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 600 của 9 xã (có thời điểm 1000 lao động).
Từ năm 2006, nghề mây tre đan đã được đầu tư các máy móc thay thế một số khâu thủ công chiếm nhiều thời gia như như pha chẻ, đánh bóng nan; đồng thời trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nếu như trước đây chỉ có các ông chủ thu gom và bán lại cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài xuất khẩu, thì hiện nay đã có thêm 4 công ty tổ chức sản xuất và thu mua sản phẩm.
Bên cạnh mây tre đan là Nghề mộc, Từ xưa là nghề truyền thống của các xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Lương, nay đã có khoảng 700 lao động. Nghề mộc phát triển đã kích thích ra đời một số doanh nghiệp chế biến gỗ cung cấp cho các làng nghề và nhu cầu xây dựng.
Bên cạnh mang lại giá trị về kinh tế, sự phát triển của làng nghề còn mang đậm ý nghĩa về văn hóa. Bởi lẽ, mỗi nghề gắn liền với một cộng đồng cư dân được cư trú ổn định trong quy mô làng xã. Nét đặc trưng này không chỉ phản ánh sự phong phú đa dạng của làng nghề trong hệ thống cấu trúc làng xã Việt Nam. Ví dụ, khi nói đến làng mây tre đan người ta không chỉ biết đến sản phẩm rổ, rá… mà còn nhận biết các thông tin về địa lý, mảnh đất con người Hoằng Thịnh. Hay, nghề mộc, gắn liền với Đạt Tài Hoằng Hà.
Làng nghề không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa “nghề” với “nghiệp” mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét, được phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội và nhiều quy định khác.
Anh Tiến, một người thợ mộc lâu năm cho biết: Hàng năm vào dịp mùng 2 tết âm lịch, trong hội làng luôn có phần rước kiệu Bát Cống thu hút đông đảo người dân trong, ngoài xã tham gia. Ngoài ra, có nghề, thanh niên lớn lên, ngoài giờ học văn hóa, cũng tập tành nghề hòa vào tiếng lách cách bên chiếc đục, chiếc trạm phụ giúp gia đình chứ không sa vào các trò chơi không lành mạnh hay các tệ nạn xã hội khác.
Trong cái chớm lạnh đầu đông, về làng Đạt Tài được hòa mình vào tiếng lách cách, âm thanh được phát ra từ tiếng đục, tiếng chạm từ đôi tay của các nghệ nhân đang thổi hồn vào những khúc gỗ, những gốc cây tưởng chừng như vô tri, đó là cả một tâm hồn tạo nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, không chỉ phục vụ nơi chùa chiền, đền thờ, miếu mạo, mà còn trong sinh hoạt hàng ngày của giới thượng lưu.
Từ nhiều thế kỷ qua ở huyện Hoằng Hóa đều có làng nghề truyền thống. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, làng nghề truyền thống đều có sự thăng trầm nhưng nó có “sứ mệnh” nhân văn cao cả đó là: Lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi làng quê, gắn kết tình làng nghĩa xóm và đóng vai trò kinh tế quan trọng trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, giải quyết việc làm cho người lao động ngay trong lũy tre làng, ở cộng đồng dân cư. Làng nghề truyền thống chính là di sản văn hóa của cha ông được để lại, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Mỗi nghề, làng nghề truyền thống đều tự thân mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo và biết bao sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bàn tay khéo léo, tài hoa do các nghệ nhân “nhào nặn” dù phải trải qua sự kiểm chứng khắc nghiệt của thời gian vẫn được ưa chuộng, yêu mến và trường tồn.
Mặc dù, hiện nay các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ hiện đại có thể đang cạnh tranh với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống nhưng những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, có chất lượng, thẩm mỹ cao – là sự kết tinh trí tuệ của nghệ nhân, của cộng đồng cư dân ở nhiều làng nghề truyền thống vẫn lên ngôi. Cuộc sống của người dân, người “giữ lửa” của làng nghề trở nên tốt đẹp hơn. Chính những sản phẩm vô giá ấy đang trở thành một nhu cầu ngày càng cần thiết của xã hội văn minh.
Vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng: Mỗi một nghề truyền thống, mỗi một làng nghề truyền thống là di sản văn hóa của cha ông, là niềm tự hào của một cộng đồng làng, xã nên càng không thể để cho nghề truyền thống, làng nghề truyền thống bị mai một, hay biến mất.
Bởi vậy, hơn bao giờ hết làng nghề truyền thống cần phải được gìn giữ và phát huy, tạo động lực để xây dựng và phát triển KT-XH của quê hương theo hướng CNH, HĐH, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an ninh xã hội vùng nông thôn./.
* Một số hình ảnh về sản xuất và sản phẩm cả nghề Mộc và mây tre đan truyền thống:
( Trích nguồn từ http://hoanghoa.gov.vn/web/trang-chu/doanh-nghiep/hoat-dong-cua-doanh-nghiep/phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-tren-dia-ban-huyen-ta-hoang-hoa-nhin-tu-goc-do-van-hoa.html )