Chuyển đổi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) giảm chi phí, tăng năng suất, mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sử dụng và môi trường.
Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) kiểm tra lúa sau phơi.
Chi phí giảm, năng suất tăng
Xứ đồng Nam Trào thuộc địa bàn thôn Phú Thượng 1, Phú Thượng 2, xã Hoằng Phú là địa điểm được lựa chọn để thử nghiệm sản xuất lúa Bắc Thơm số 7 theo quy trình sản xuất VietGap. Là vụ mùa đầu tiên áp dụng mô hình sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, xã triển khai trên diện tích 25ha với 83 hộ tham gia. HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) xã Hoằng Phú là đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc HTX DVNN xã Hoằng Phú, cho biết: HTX đã thành lập ban quản lý VietGAP, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho tổ sản xuất, tổ kỹ thuật, tổ kiểm tra. Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện cho HTX DVNN phối hợp với trạm khuyến nông huyện tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình VietGAP mà cụ thể là đối với giống lúa Bắc Thơm số 7. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, trình độ thâm canh tốt của người dân, HTX đứng ra tổ chức, hỗ trợ nông dân và giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, nên việc triển khai mô hình bước đầu có nhiều thuận lợi và đạt được kết quả khả quan.
Bác Lê Văn Lương, thôn Phú Thượng 2 cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 ha lúa tại cánh đồng Nam Trào. HTX DVNN xã Hoằng Phú thuê lại diện tích này để sản xuất lúa theo hướng VietGap và thuê chúng tôi làm nhân công. Quá trình canh tác, giống, vật tư do HTX cung cấp, người dân chỉ có nhiệm vụ chăm bón trên diện tích lúa theo đúng kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông và HTX hướng dẫn. Sản xuất lúa theo quy trình này còn hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bảo vệ môi trường, sức khỏe cho con người mà trực tiếp là nông dân tham gia sản xuất. Nông dân chúng tôi rất phấn khởi, bởi vụ mùa vừa rồi lúa có năng suất cao và chất lượng hơn những vùng sản xuất khác.
Trò chuyện với chị Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoằng Phú cũng là một kỹ sư nông nghiệp được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn bà con thực hiện mô hình này, chị cho biết: So sánh giữa mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và cấy truyền thống thì mô hình VietGAP có tỷ lệ sâu, bệnh ít hơn, nhờ đó nông dân không chỉ giảm được số lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất mà còn bảo đảm được sức khỏe. Đặc biệt, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều do áp dụng chương trình quản lý dịch hại, cây trồng tổng hợp, hay còn gọi là 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất nông nghiệp. Đó là giảm lượng giống hoặc lượng nước tưới, giảm lượng đạm bón dư thừa, giảm thuốc BVTV; tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích. Vụ mùa vừa rồi, diện tích cấy lúa theo hướng VietGap cho năng suất ước đạt 4,4 tấn/ha, cấy truyền thống chỉ đạt 3,2 tấn/ha, trong khi chi phí sử dụng thuốc BVTV cho diện tích lúa truyền thống nhiều hơn.
Xây dựng thương hiệu gạo Phú Khê
Xã Hoằng Phú là địa phương nằm phía Bắc huyện Hoằng Hóa có truyền thống thâm canh cây lúa nước từ lâu đời. Trong lịch sử, nơi đây là đơn vị đóng góp một lượng lớn lúa, gạo phục vụ kháng chiến. Ngày nay, lúa, gạo Hoằng Phú cũng được đưa đến nhiều vùng, miền và được đánh giá có chất lượng ngon hơn so với các vùng lân cận. Người dân quanh vùng đều khẳng định rằng, cùng một giống lúa nhưng lúa được trồng ở đất Hoằng Phú bao giờ cũng có chất lượng tốt hơn, hạt cơm dẻo, thơm và có vị đậm đà đặc trưng, hiếm có. Chính những điều kiện thuận lợi này, xã Hoằng Phú đã và đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu gạo Phú Khê. Đảng ủy xã Hoằng Phú đã ban hành nghị quyết triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGap nhằm giảm chi phí trong sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, đem lại sản phẩm có chất lượng và bảo đảm an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa cho người dân. UBND xã đã hợp đồng với Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản kiểm định và chứng nhận sản xuất lúa Bắc Thơm số 7 theo tiêu chuẩn sản xuất lúa an toàn. Ngày 19-9-2018, trung tâm đã về đánh giá quy trình sản xuất và lấy mẫu lúa để kiểm nghiệm, phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận sản phẩm lúa đạt tiêu chuẩn VietGap.
Đồng chí Lê Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Phú cho biết: Xây dựng thương hiệu gạo sạch Phú Khê là ước mơ từ lâu của người dân xã Hoằng Phú. Nội dung này đã được đưa vào nghị quyết của đảng bộ, được đảng bộ đồng tình triển khai đến các ngành, đoàn thể, các chi bộ, các thôn; tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng thương hiệu gạo sạch Phú Khê. Sau quá trình trăn trở lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp, địa phương đã giao cho HTX DVNN xây dựng kế hoạch cụ thể, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, trực tiếp chỉ đạo các quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGap, hoàn tất khâu chế biến, đóng gói, có thị trường tiêu thụ ổn định, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người.
Đồng chí Lê Văn Cần cho biết thêm: Sau vụ mùa triển khai thí điểm, đánh giá kết quả bước đầu cho thấy đã đạt được những kết quả khả quan. Dự kiến trong năm 2019, xã sẽ quy hoạch vùng sản xuất lúa theo hướng VietGap từ 50ha trở lên. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp như: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất đồng bộ tất cả các khâu; đồng thời, tạo sân, bãi phơi, nhà kho đáp ứng điều kiện phơi khô, bảo quản sau thu hoạch.
Triển khai mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap là hướng đi mới cho nông nghiệp xã Hoằng Phú nhằm xây dựng thành công thương hiệu gạo Phú Khê, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đưa nông nghiệp xã nhà phát triển hiệu quả, bền vững.
(Trích nguồn từ http://baothanhhoa.vn )