Làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Những bậc cao niên trong làng cũng không biết chính xác làng nghề này hình thành từ bao giờ. Chỉ biết nam giới trong làng Hạ Vũ lớn lên đã học chạm, đục, đẽo, phụ nữ học đánh bóng, phun sơn… Người dân làng Hạ Vũ cứ từ đời này qua đời khác, “cha truyền con nối”, lưu giữ và phát triển nghề mộc cho đến tận ngày nay, để nơi đây, quanh năm rộn rã tiếng đục, tiếng chàng…
Cơ sở sản xuất đồ gỗ truyền thống Hòa Hoan, làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).
Sinh ra từ cái nôi của làng nghề, ông Nguyễn Duy Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hoan là một trong những người “giữ lửa” nghề mộc truyền thống ở làng Hạ Vũ. Với tình yêu và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống, từ thuở đôi mươi, ông Hòa đã mở một cơ sở sản xuất đồ mộc nhỏ. Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay ông đã có một cơ sở sản xuất, chế tác rộng gần 600m2, doanh thu 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng và gần 10 lao động thời vụ thu nhập 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo chia sẻ của ông Hòa, nghề mộc đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, bay bổng trong từng nét chạm trổ. Để tạo ra một sản phẩm mộc đẹp, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn nhưng quan trọng nhất là khâu tạo hình… Vì cơ chế thị trường luôn đòi hỏi yêu cầu phải cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, đã có thời điểm nghề mộc truyền thống ở làng Hạ Vũ bị ngừng trệ, các hộ làm nghề mang tính “cầm chừng”. Do đó, những người thợ truyền thống đã phải học hỏi, tìm tòi nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường để từ đó có những cách thức mới trong phát triển nghề truyền thống. Việc sử dụng máy đục, máy điêu khắc vào sản xuất đồ mộc để làm ra mẫu mã phong phú, đổi mới, giá thành cạnh tranh hơn chính là giải pháp mà đa phần các hộ làm nghề ở địa phương lựa chọn để làm “mới” nghề. Nhiều công đoạn sản xuất, như: Xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn… trước đây làm bằng tay thì đến nay đã được thay thế bằng máy móc.
Xác định được vai trò của nghề mộc đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, UBND xã Hoằng Đạt đã có nhiều chính sách để gìn giữ và phát triển nghề mộc làng Hạ Vũ một cách bền vững, như: Quy hoạch diện tích 0,6 ha cho khu làng nghề, tạo điều kiện để các hộ được vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, hằng năm tổ chức cho những người thợ lành nghề và lớp thợ trẻ được đi tham quan, học hỏi từ các mô hình làng nghề truyền thống khác để nâng cao tay nghề… Từ những chính sách hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là việc được UBND tỉnh công nhận làng nghề với các sản phẩm chính là sản xuất đồ mộc, đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống, đã tạo điều kiện cho những người con của làng chuyên tâm hơn trong việc gìn giữ và phát triển nghề. Những bậc cao niên trong làng đã tích cực truyền lại những kỹ năng, kỹ xảo chế tác sản phẩm gỗ cho lớp con cháu trong làng nghề. Đã có hàng trăm thanh niên được truyền dạy nghề mộc, đến nay đã thành thạo nghề. Nhiều người đã đầu tư quy mô nhà xưởng lớn với máy móc hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Lê Khắc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 200 hộ làm nghề mộc với khoảng 450 lao động thường xuyên. Trong đó, có hơn 200 thanh niên đang làm nghề và theo học các lớp kỹ thuật, như: Chạm khắc, đục vi tính để áp dụng vào nghề mộc truyền thống. Đây chính là lực lượng gìn giữ, phát triển và quyết định sự hưng thịnh của làng nghề mộc Hạ Vũ.
Giờ đây, làng nghề mộc Hạ Vũ được đánh giá là nơi lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa của nghề mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn những sản phẩm từ thông dụng đến những mặt hàng đòi hỏi sự tinh tế, chạm trổ khéo léo. Việc gìn giữ và phát triển nghề mộc đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong xã, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. 6 tháng đầu năm 2018, giá trị công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ước đạt 40,9 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị sản xuất của địa phương.
( Trích nguông từ http://baothanhhoa.vn )