Từ đứa trẻ cho đến thanh niên, người già ở làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa – Thanh Hóa) ai ai cũng biết làm hương. Bao đời nay, người dân trong làng vẫn gắn bó với nghề truyền thống cha ông để lại.
Từ năm 13 tuổi, Đoàn Tất Đức đã biết làm hương, khi đó là vào năm 1987. 3 năm sau, anh bắt đầu theo nghề. Bố anh là ông Đoàn Tất Mỹ cũng được truyền nghề từ ông nội và mẹ anh, bà Đoàn Thị Nhuần hiện đã 80 tuổi vẫn góp công góp sức để làm ra những nén hương thơm.
Những tưởng để cho ra đời một nén hương mỏng mảnh rất đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp. Bởi lẽ, để có một nén hương thơm mà theo anh Đức là phải đi qua nhiều công đoạn gồm chẻ tăm, ngâm và phơi tăm, xay trám, đảo bột, vuốt, lăn, phơi hương và đóng gói. Nguyên liệu làm hương gồm: tăm hương, nhựa trám, cây bài, bột than củi. Theo anh Đức, hương thơm hay không là ở cây bài, tuy nhiên, chất lượng của cây bài hiện đã giảm so với trước đây vì cây bài trồng tự nhiên đã ít đi mà nhiều hơn là những cây bài tăng sản. Nghề làm hương vốn đã khó nhọc lại còn phải phụ thuộc vào thời tiết vì ngày nắng mới làm được, thậm chí ngay cả khi trời nắng, hương đang phơi mà bỗng gặp cơn mưa rào, không thu kịp thì mẻ hương đó phải bỏ đi. Năm 2007, anh Đức đã đầu tư mua máy phụt và máy lăn hương nhằm giảm bớt nhân công, tăng nguồn thu nhập. “Nghề hương bây giờ, theo là để giữ nghề chứ so với trước đây, thu nhập không thể bằng. Trước đây mỗi tháng có thể làm vài tạ bột than nhưng đến nay chỉ làm được trên dưới 1 tạ và cao điểm lại thường tập trung vào tháng tết. Thị trường cũng bị thu hẹp lại”. Anh Đức cho biết.
Trước đây, khi nghề đang thịnh, tức là vào những năm 90 cho đến năm 2004 thì nhiều hộ gia đình làm hương ở làng Đông Khê đã xây được nhà, nuôi con cái ăn học, đỗ đạt như gia đình ông Đoàn Văn Mậu, nhà khang trang cũng từ nghề hương và con vào đại học cũng từ nghề truyền thống của làng. Thời nghề phát triển mạnh, trong nhà ông không chỗ chen chân vì ông thuê 18- 20 lao động, giờ thì chỉ còn 3-4 người. Thị trường lúc ấy cũng khá rộng ngay đến cả những nơi nức tiếng làm hương như Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng cũng về nhà ông để lấy hương. “Hương làng Đông Khê đã từng được mệnh danh là “đàn anh” của nghề hương trong tỉnh Thanh Hóa vì mùi thơm dịu, thơm mát, ra mùi đặc trưng của hương. Nhưng khi hương máy tràn ngập thì cũng là lúc hương truyền thống ở Đông Khê khó cạnh tranh hơn”, ông Mậu trải lòng.
Theo lưu truyền, làng nghề làm hương Đông Khê ra đời từ khi “khai trương lập ấp” ở thế kỷ 16. Thời phát triển mạnh nhất, trong làng có gần 100 hộ tham gia làm hương. Nhưng qua đi thời gian, do nhiều nguyên nhân nên số hộ cứ giảm dần và hiện chỉ còn gần 30 hộ sản xuất hương. Theo ông Đoàn Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ thì khó khăn nằm ở chỗ, hương làng Đông Khê chưa được công nhận thương hiệu và rất khó khăn trong việc bao tiêu sản phẩm. Hơn nữa chính sách hỗ trợ, kích cầu chưa đáp ứng được cho kinh tế làng nghề phát triển mà chủ yếu là do các hộ tự duy trì. “Hiện các hộ làm hương cũng đã đầu tư được máy móc nhưng chúng tôi có đề nghị các hộ là phải giữ lại nét truyền thống, nét văn hóa cho làng nghề, vì vậy không được bỏ thủ công. Dù biết rõ là việc sử dụng máy móc sẽ giảm nhiều công đoạn, giá thành rẻ hơn nhưng làm bằng thủ công thì mới ra được hương truyền thống, mới ra được mùi hương của Đông Khê và mới làm nên thương hiệu làng nghề” – Ông Cảnh cho biết.
Ngày lễ, ngày tết không thể thiếu vắng mùi hương. Ở làng Đông Khê, trừ ngày mưa thì ở đây, ngày nào các hộ cũng làm hương và nhất là vào dịp tết, khi ấy, mùi hương trở nên “dậy” mùi hơn và làng nghề cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Mong sao, đề án cho xây dựng thương hiệu làng nghề sẽ sớm được thực hiện để hương làng Đông Khê mãi tự hào là “đàn anh” của nghề hương tỉnh Thanh…
( Trích nguồn từ http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-huong-thom-lang-nghe-truyen-thong-dong-khe-43794 )