Thanh Hóa thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện có nhiều thuận lợi như diện tích đất sản xuất nông, lâm, thủy sản lớn, vùng lãnh hải rộng. Thanh Hóa đang phấn đấu sớm trở thành một địa phương có nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần xây dựng NTM bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 5 huyện, 60% số xã đạt chuẩn NTM, có 20% thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu đó, Thanh Hóa xác định phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng NTM là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng NTM bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là: có số lượng xã thực hiện xây dựng NTM nhiều nhất cả nước (573 xã, trong đó có 211 xã miền núi, 170 xã đặc biệt khó khăn), điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2010 ở mức 8,9 triệu đồng/người (thấp hơn gần 4 triệu đồng so với bình quân chung cả nước); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ở mức 26,96% (cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung cả nước). Để khắc phục những khó khăn, thách thức, thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, Thanh Hóa đã sớm phê duyệt đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2019.
Những năm qua, tuy chưa triển khai một chương trình riêng về phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị như Quảng Ninh, song, dựa trên kinh nghiệm triển khai mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản, mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan và bài học triển khai một cách có hệ thống OCOP của tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa đã có những tiếp cận tích cực để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của tỉnh. Cụ thể, đã ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, các điểm du lịch làng nghề, phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn; xác định nội dung phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn,… trong nội hàm của chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững,… Đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm, như: cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; hỗ trợ giống gốc vật nuôi; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung; tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm; chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại,…
Xác định, liên kết phát triển sản xuất là hướng đi để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nhiều chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành, đi vào chiều sâu và bền vững, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất, như: đã hình chuỗi liên kết sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ; bước đầu đã hình thành liên kết chuỗi chăn nuôi bò sữa, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch; hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo chiều sâu; xây dựng các tổ cộng đồng liên kết nuôi tôm, tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình tổ đoàn kết đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ;…
Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, như: Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông sản thực phẩm; Hội chợ thương mại và du lịch Sầm Sơn; Hội chợ Công nghiệp thương mại khu vực Bắc Trung Bộ, Hội chợ Thương mại Quốc tế, Hội chợ Miền Tây,… Ngoài ra, chỉ đạo các ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Trung ương, của các tỉnh bạn tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
Với cách làm phù hợp, sáng tạo theo đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh, đã giúp cho nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ của địa phương đã, đang có bước phát triển. Theo hướng đó, hiện nay Thanh Hóa đang tích hợp đưa vào chu trình OCOP 18 sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế thuộc 6 nhóm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất. Song song với đó là tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống (trong đó đã công nhận 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống);… Ngoài ra, còn có nhiều danh lam, thắng cảnh có thể phát triển thành điểm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra các sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,… đã và đang được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đây cũng chính vừa là kết quả vừa là tiềm năng, lợi thế so sánh của Thanh Hóa để bứt phá trong thực hiện Chương trình OCOP.
Từ thực tiễn phát triển OCOP gắn với NTM, tỉnh Thanh Hóa rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Một là, công tác truyền thông, tuyên truyền phải đi trước một bước để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cũng như các tổ chức kinh tế và người dân về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Hai là, xác định Chương trình OCOP là một trong những giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng NTM, là chương trình kinh tế của người dân, do người dân, nhà nước không làm thay, làm hộ, không thể áp đặt hành chính. Song, trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị. Do đó,công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, sâu sát. Ba là, quan tâm việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn kiến thức về Chương trình OCOP cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Có cơ chế hỗ trợ để triển khai thực hiện kịp thời,…
( Trích nguồn http://www.dangcongsan.vn )