Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học – kỹ thuật (KHKT), công nghệ cao để nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy đa số các mô hình hiện chưa vào vụ thu hoạch, song theo nhận định của những người nuôi tôm theo hình thức này cũng như đại diện phòng chức năng huyện Hoằng Hóa thì mô hình nuôi tôm công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cách nuôi tôm truyền thống.
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, cho biết: Trong số gần 3.000 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) của huyện hiện nay có 110 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đem lại giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, một số hộ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào nuôi tôm thẻ chân trắng, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 – 1,7 lần so với nuôi thâm canh cải tiến. Cũng theo ông Dũng, ngoài những mô hình do người dân tự phát đầu tư nuôi, huyện đã xây dựng được 2 mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao trong nhà kính ở xã Hoằng Hà và Hoằng Phụ với diện tích 2 mô hình trên 2 ha.
Tuy không phải là địa phương được huyện chọn để xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhưng trên địa bàn xã Hoằng Yến đã xuất hiện mô hình nuôi tôm theo hình thức này. Anh Cao Văn Long – người đi tiên phong và hiện đang sở hữu 9 ao nuôi, mỗi ao có diện tích từ 300 – 400m2 trải lòng: “Sau nhiều năm làm nghề nuôi tôm thuê ở các tỉnh miền Tây, tôi đã tích lũy được vốn kiến thức về cách nuôi tôm theo hình thức mới – nuôi tôm trong ao tròn được dựng bằng khung sắt và có phủ bạt… Trên diện tích 1,8 ha với 12 ao nuôi nhưng hiện tại mới có 9 ao nuôi cơ bản đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đã bắt đầu thả tôm được hơn 1 tháng. Lứa tôm đầu tiên này còn khoảng 2 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch nhưng hiện tại, tôm đang phát triển rất tốt. Theo anh Long, nuôi tôm theo hình thức này, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn vì anh đã bỏ ra hơn 7 tỷ đồng, còn phải bỏ thêm hơn 3 tỷ đồng nữa, cơ sở hạ tầng trên diện tích 1,8 ha mới đảm bảo được.
Mô hình nuôi tôm của anh Long ở Hoằng Yến.
Xã Hoằng Phụ là một trong những địa phương có diện tích NTTS lớn của huyện Hoằng Hóa. Những năm qua, địa phương đã chú trọng tập trung khai thác lợi thế này để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ông Trương Hùng Thế – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp vùng trũng chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất thấp, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chuyển đổi toàn bộ số diện tích này sang NTTS kết hợp chăn nuôi. Để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất, xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng để NTTS, áp dụng KHKT; tăng cường công tác khuyến ngư, thành lập các HTX, tổ đội, phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn đào tạo nghề NTTS theo hướng hàng hóa cho các hộ nuôi. Ngoài ra, địa phương cũng đã định hướng quy hoạch vùng nuôi cho những hộ dân tập trung vào các con nuôi đặc sản, như: Nước mặn nuôi tôm sú, cua, rau câu, tôm thẻ chân trắng; nước ngọt thì nuôi các loại cá trắm, chép, diêu hồng, quả, hồng Mỹ… Theo ông Thế, trong số 250 ha nuôi tôm, có 25 ha nuôi trên cát bằng phương pháp đắp bờ, phủ bạt, còn lại là nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Và với 25 ha nuôi trên cát, có khoảng 4 ha áp dụng nuôi tôm công nghệ cao bằng hình thức ao tròn làm bằng khung sắt theo hình thức này gồm có gia đình anh Lê văn Quang, anh Trương Văn Quân, anh Lê Văn Dũng, trong đó mô hình gia đình anh Dũng, diện tích 1 ha thuộc mô hình được huyện chọn để xây dựng.
Trong số các mô hình áp dụng nuôi công nghệ cao trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, duy nhất có mô hình gia đình anh Lê Văn Quang, thôn 10 xã Hoằng Phụ là đã cho thu hoạch lứa tôm đầu tiên. Anh Quang cho biết: Sau khi thuê lại 2000m2 đất của bà con với thời hạn 5 năm ở vùng ngoại đê, anh đã cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa vào nuôi thả từ tháng 12/2018. Sau hơn 3 tháng nuôi thả, ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính với quy trình tuần hoàn nước là khép kín và có ưu điểm vượt trội so với cách nuôi truyền thống lâu nay, 3 ao nuôi của anh đã cho thu nhập, trừ chi phí, anh thu lãi được 300 triệu đồng.
Dù mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao chưa vào vụ thu hoạch, song qua thực tế từ mô hình của anh Quang, xã Hoằng Phụ, anh Long ở Hoằng Yến mà tôi có dịp được “mục sở thị” cũng như những đánh giá từ phía chính quyền xã, huyện cho thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao là mô hình có tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng trong thời gian tới.
( Trích nguồn từ http://vanhoadoisong.vn )